Quản trị kinh doanh - Nghề cho những người dũng cảm

Một câu hỏi phổ biến hiện nay, ai cũng học làm sếp (hiểu theo nghĩa quản trị chính là quản lý, lãnh đạo), lấy ai ra làm lính? Và có phải cứ học Quản trị Kinh doanh đương nhiên ra trường trở thành giám đốc? Liệu ngành Quản trị Kinh doanh đang được nhiều trường, nhiều viện mở quá sẽ dẫn tới khủng hoảng thừa nhân lực?

Với những suy nghĩ như, sự hội nhập kinh tế chắc chắn đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế, kinh doanh. Hay, thậm chí trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty lúng túng trong hoạt động kinh doanh, chắc chắn nhân sự kinh doanh càng có đất dụng võ.

Điều này là đúng nhưng chưa đủ, các công ty cần những người làm kinh doanh, nhưng phải là những người quản lý, lãnh đạo giỏi, thực sự mang lại hiệu quả công việc.

Việc trường trường, viện viện mở lớp đào tạo, cấp bằng cho hàng loạt học viên… không có nghĩa là đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Theo thống kê kết quả tuyển sinh ba năm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quản trị Kinh doanh vẫn là ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong hồ sơ đăng ký của thí sinh: trên 10% số hồ sơ đăng ký mỗi năm. Trong khi đó, theo thông tin từ Thongtintuyensinh.com, ở riêng TP.HCM hiện nay, có đến hơn 40 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đào tạo ngành này, nghĩa là số cử nhân quản trị kinh doanh ra trường mỗi năm là trên 10.000 người vì nhiều trường lớn có chỉ tiêu mỗi năm hơn 1.000 sinh viên.

Điều các doanh nghiệp cần là chất lượng chứ không phải số lượng cử nhân đã qua đào tạo.

Trở lại với câu hỏi trên, ngành Quản trị kinh doanh (QTKD) đúng là đang thừa người bình thường, nhưng lại luôn thiếu người giỏi. Và nếu bạn có đam mê kinh doanh, bạn muốn gặt hái những thành công trong lĩnh vực kinh tế, bạn hãy dũng cảm dấn thân.

Chất lượng đầu ra của bạn tốt, kèm thêm kinh nghiệm tích lũy của bạn đáng kể, chắc chắn bạn sẽ được các doanh nghiệp trải thảm đỏ mời gọi.

Một khi đã trang bị đầy đủ kỹ năng, cũng như tích lũy đủ kinh nghiệm, bạn có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực liên quan để biết mình phù hợp với công việc nào. Nhờ đó, cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở hơn, giúp các bạn một lần nữa được học hỏi, trau dồi để phát triển. Những nghề nghiệp được đa số các bạn tốt nghiệp ngành QTKD chọn là: Quản trị Nguồn nhân lực, Quản lý Sản xuất, Quản trị Marketing, Marketing, PR, Quản trị Chuỗi cung ứng…

Tóm lại, ngành QTKD vẫn là một cánh cửa lớn cho những bạn tự tin, dám đương đầu với thử thách. Nếu bạn thực sự muốn dấn thân vào công việc kinh doanh, tự thấy mình tư duy tốt, có khả năng phân tích thì tại sao không chọn ngành học này làm con đường đi của riêng mình

Nguồn tin: oisp.hcmut.edu.vn